Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Bệnh viện vệ tinh đã phát huy hết khả năng?


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh ra tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2016 tất cả các tỉnh, thành phố phải thực hiện bệnh viện vệ tinh.

(ĐSPL) – Sau 3 năm triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, hiệu quả chưa được như mong muốn, tỷ lệ người bệnh vượt tuyến vẫn còn cao.

Báo Hải quan thông tin, nhằm giảm tải tình trạng chuyển viện, gây quá tải cho tuyến trên, một số bệnh viện tuyến Trung ương tại TP.HCM đã tích cực triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, bước đầu đã đem lại những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện (từ 2013 đến nay) hiệu quả chưa được như mong muốn, tỷ lệ người bệnh vượt tuyến vẫn còn cao.

Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Ung bướu TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Thu Dịu.
So với mức độ đầu tư nguồn nhân lực để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên cho các bệnh viện vệ tinh nhằm giảm tải áp lực còn hiệu quả thấp, chưa tương xứng, tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên vẫn còn ở mức cao.

PGS-TS Trần Quyết Tiến cho biết, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ ở một số bệnh viện vệ tinh còn thiếu hoặc chưa đồng bộ trong việc nhận chuyển giao kỹ thuật cũng như chưa có kế hoạch cụ thể và không đủ nhân lực để nhận chuyển giao kỹ thuật nên chưa thu hút được bệnh nhân đến khám chữa bệnh.

Mặt khác, theo lãnh đạo một số bệnh viện tuyến trên, trong quá trình thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh chính quyền địa phương hứa cấp vốn đối ứng để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc chuyển giao các gói kỹ thuật nhưng chờ mãi, đến hết giai đoạn chuyển giao vẫn được cấp vốn. Điều này khiến các bệnh viện vệ tinh không có kinh phí để đầu tư cho gói kỹ thuật tiếp nhận từ bệnh viện tuyến trên chuyển giao nên không còn “mặn mà” với đề án.

Ngoài ra, với những chuyên khoa phức tạp phải thực hiện phẫu thuật, cũng như điều trị với thiết bị kỹ thuật hiện đại cần phải có sự đầu tư kinh phí cho phòng mổ, phòng điều trị phù hợp, nhưng một số bệnh viện vệ tinh tuyến dưới mới chỉ được đầu tư về giường bệnh, đội ngũ nhân lực y tế nên không thu hút được bệnh nhân. Bởi thực tế, một số khoa tại bệnh viện vệ tinh thực chất là chỗ nằm nghỉ dưỡng cho bệnh nhân trước và sau phẫu thuật chứ không giải quyết được vấn đề về chuyên môn.


Theo đó, để phát huy hiệu quả của bệnh viện vệ tinh, giúp bệnh viện tuyến trên giảm tải cũng như giúp bệnh nhân nghèo vơi bớt khó khăn cần có sự chung tay nỗ lực từ nhiều phía từ nguồn nhân lực, kỹ thuật đến kinh phí đầu tư nhằm đạt được mục tiêu của ngành Y tế đến cuối năm 2016, 100% các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện bệnh viện, khoa vệ tinh.

Trước đó, thông tin trên Vietnamnet, thực hiện đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn năm 2013-2020, từ năm 2013 Bộ Y tế đã triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT) giai đoạn 2013-2020. Mục tiêu cụ thể của đề án BVVT là nâng cao năng lực y tế tuyến dưới về khám bệnh, chữa bệnh thông qua hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao được thuận lợi và góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Sau 2 năm ngành y tế đã triển khai được 48 bệnh viện vệ tinh thuộc 5 chuyên khoa: tim mạch, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình, ung bướu ở 38 tỉnh thành. Các bệnh viện này chính là bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện trung ương đầu ngành ở Hà Nội và TP.HCM như Việt Đức, Bạch Mai, E, Phụ sản Trung ương, Nhi Trung ương, K Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế; Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, Nhân dân Gia Định, Từ Dũ, Nhi Đồng 1 và 2...


Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 38 tỉnh, thành phố có bệnh viện vệ tinh, vẫn còn 25/63 tỉnh, thành chưa có bệnh viện vệ tinh do không đủ nhân lực, điều kiện cơ sở, vật chất, trang thiết bị y tế để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Vì vậy mục tiêu phủ sóng bệnh viện vệ tinh trên toàn quốc đang là thách thức lớn đối với ngành y.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét