Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Độc cướccủa đại võ sư 6 lần tham gia marathon quốc tế


Niềm đam mê dẫn dắt con người bước qua chông gai

(ĐSPL) - Bị mất một chân vào năm 21 tuổi nhưng bằng nghị lực phi thường và niềm đam mê võ thuật mãnh liệt, ông đã vượt qua số phận, trở thành đại võ sư 18/18 của Liên đoàn thế giới võ cổ truyền Việt Nam.

Không những vậy, ông còn là người khuyết tật tham gia cuộc thi chạy marathon quốc tế (từ năm 1992 - 2002) đầu tiên ở Việt Nam trước sự kinh ngạc và ngưỡng mộ của báo chí trong nước và quốc tế.

Bi kịch trở thành võ sỹ một chân

Vị võ sư mà chúng tôi nói đến chính là võ sư Tạ Anh Dũng (SN 1961, ngụ Q.8, TP.HCM). Hẹn chúng tôi vào một ngày cuối tháng Bảy, võ sư vẫn một mình vác theo bao đạo cụ đến khu vực công viên Tao Đàn (Q.1, TP.HCM) để dạy võ.

Dù chỉ còn một chân, vừa đi vừa giữ thăng bằng nhưng ông vẫn toát lên khí thế vững vàng, mạnh mẽ của một người theo võ học. Giới võ lâm nói rằng, võ sư một chân Tạ Anh Dũng là con nhà nòi về võ thuật.

Ông là con của võ sỹ Tạ Ánh Đăng (biệt hiệu là Ánh Sáng), người từng tham gia thượng đài đấu võ nổi danh khu Chợ Cầu Muối (TP.HCM) thời Pháp thuộc. Thấy cha tập võ, cậu bé Dũng cũng bắt chước tập theo. Khi mới lên 4 tuổi, ông đã được cha dạy đứng tấn, đi quyền, tập những bài võ cơ bản của võ cổ truyền. Bước vào những năm tiểu học, trong trường có mở lớp dạy võ Takewondo, ông lại hào hứng đăng ký theo học. Tình yêu đối với bộ môn võ cổ truyền được nhen nhóm, lớn dần theo thời gian.
Võ sư Tạ Anh Dũng
“Hồi ấy, ngày nào tôi cũng xem cha tập quyền luyện đao pháp. Tôi rất ngưỡng mộ ông về võ thuật. Ông đi quyền rất đẹp. Thấy vậy tôi cũng bắt chước tập theo cho vui chứ cũng chẳng nghĩ sẽ gắn bó với nó cho đến tận bây giờ. Có lẽ nghiệp võ thuật đã chọn tôi. Đây là con đường rất nghiệt ngã”, võ sư Tạ Anh Dũng chia sẻ.

Với mong muốn tìm tòi học hỏi thêm các thế võ của môn phái khác để tìm ra ưu, khuyết điểm cũng như cách hóa giải, khi lên trung học, ông lại học thêm Aikido (Nhật Bản) và võ Thiếu Lâm (Trung Quốc). Mỗi môn võ lại dạy thêm cho ông một kỹ năng riêng. Càng tập luyện ông càng mê. Vì thế, phần nhiều thời gian ông đều dành cho võ thuật.

Thế nhưng, một biến cố lớn đã xảy ra, năm 21 tuổi, khi tài năng và niềm đam mê võ thuật nở rộ nhất, ông gặp tai nạn trên sông trong một chuyến chở củi thuê về rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP.HCM). Được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê, đến khi tỉnh dậy, ông bàng hoàng nhận ra mình chỉ còn một chân. Chân trái bị hoại tử xương phải cắt bỏ tới trên đầu gối.

“Lúc đó, tôi sốc lắm bởi tôi vốn là người năng động, vậy mà giờ phải nằm liệt. Rồi tôi nghĩ, mình chỉ còn một chân, làm sao có thể tập võ được nữa. Hiện thực trước mắt khiến tôi rất đau lòng và muốn buông xuôi tất cả,...”, vị võ sư tâm sự.

Trong lúc tinh thần còn đang tuyệt vọng thì chuyện xảy ra trước mắt càng khiến ông cảm thấy tương lai mờ mịt. Ông kể: “Lúc nằm trong giường bệnh, kế bên giường bệnh tôi có một cô cũng nằm điều trị. Nhưng sau đó, cô ấy buồn, tuyệt vọng quá mà bỏ trốn về nhà tự tử. Ngày hôm sau, cũng có một anh khác trong phòng bệnh nhảy từ trên lầu của bệnh viện xuống. Chứng kiến những cảnh tượng đó tôi bị sốc lắm. Rất may khi đó, ngoài sự an ủi của gia đình, bạn bè đã giúp tôi có thêm nghi lực sống. Rồi tôi nghĩ, đời người sống chỉ có một lần nhưng không may mình gặp vận xui, đành chấp nhận chứ chẳng biết làm thế nào. Vì, giờ mình có buồn, có khổ, cái chân mình cũng không mọc lại. Cho nên, tôi đã quyết tâm sống khác, không thể để tuổi trẻ, đời người trôi qua một cách vô ích vậy”.

Đừng bao giờ nghĩ mình là người tàn tật
Chính từ những quyết tâm, những cố gắng không ngơi nghỉ của mình nên sau khi nằm viện được hai tháng, ông bắt đầu tập đi xe đạp, rồi tập bơi, đẩy tạ, đánh bóng bàn,...

Ông bảo: “Nằm trên giường, tôi cũng tập, ăn, ngủ cũng tập,... bởi tôi đã hứa với bản thân cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Vì thế, những lúc mọi người nghỉ ngơi thì tôi vẫn tiếp tục tập, tập cho tới khi mệt lử người mới dừng lại”.

Nói là vậy nhưng khi làm được mới khó. Việc đi đứng bằng một chân đã khó rồi, huống hồ, đây còn tập võ, đứng tấn, đứng trụ, rồi xoay người tập các động tác tay,... khó khăn hơn gấp bội. Mặc dù vậy, ông vẫn cố gắng vượt qua, không từ bỏ ý định theo đuổi nghiệp võ.

Rồi ông kể: “Thời gian đầu chưa tìm lại được cảm giác thăng bằng, tôi tập đi mà ngã lên ngã xuống. Có lần đứng lên ghế thắp nhang trên bàn thờ, cứ nghĩ còn bình thường nên tôi đã bước hụt và bị ngã. Lúc đó, cái cảm giác mình là kẻ thất bại, kẻ thua cuộc lại trỗi dậy. Nhưng nó chỉ chợt thoáng qua thôi rồi lại vụt tắt. Sáng luyện tập, đêm về nằm vắt trán ngẫm nghĩ tìm ra sự cân bằng cơ thể rồi tự điều chỉnh dần. Thế rồi, sau nhiều lần ngã xuống, đứng lên, tôi đã tự mình học tập và thích nghi dần với thế thăng bằng,...”.

Chính vì những nghị lực phi thường của mình cộng với sự cố gắng không bao giờ mệt mỏi, chàng trai Tạ Anh Dũng một chân ngày nào đã khiến trái tim của thầy Đặng Văn Anh (võ sư, có biệt danh là Kim Kê hay Phi Vân Nhạn, người sáng lập môn phái Kim Kê vào năm 1955 - PV) xúc động.

“Ban đầu, khi tôi tìm đến môn phái của thầy học, thầy đã rất ái ngại với thể trạng của tôi. Tuy nhiên, trước nghị lực và quyết tâm với niềm đam mê võ học, thầy Nhạn đã không ngần ngại nhận tôi làm đệ tử,...”, võ sư Tạ Anh Dũng chia sẻ.

Trong quá trình học võ, việc luyện tập đối với người một chân chẳng hề dễ dàng. Vì thế, ông phải tìm cách biến cái khiếm khuyết ở chân thành lợi thế, dẫn dụ đối phương rồi sáng tạo những đòn thế hóa giải phù hợp. Ngoài ra, vị võ sư còn sáng tạo ra các bài võ cho riêng mình như bài nạng chống dao găm, bài gậy, bài côn nhị khúc, côn tam khúc,... vừa để phòng thân và dạy lại cho những người khuyết tật.

Đối với võ sư Tạ Anh Dũng, việc dạy cũng như học võ còn thể hiện niềm tự tôn dân tộc. Ông luôn tự nhủ rằng phải làm sao để người nước ngoài nhìn vào và cảm phục, yêu quý con người Việt Nam.

Rồi ông kể: “Khi tập một mình là cố gắng 10 còn đứng giữa kiều bào, du khách quốc tế là phải tập lên 20, 30,... Bởi, đây không còn biểu diễn, tập luyện cho mình nữa mà đại diện cho cả một thế hệ võ thuật của một quốc gia nên cần phải cố gắng hơn gấp bội. Cho nên, trong những năm tham gia cuộc chạy marathon quốc tế, được tổ chức tại TP.HCM (từ năm 1992 đến 2002), tôi đã làm cho cả thế giới kinh ngạc khi chạy marathon một chân. Ngày ấy, tôi chạy đến đâu, du khách nước ngoài chụp hình đến đó. Họ không nghĩ một ông cụt chân lại có thể chạy được và về đích như vậy”.

“Thực sự, lúc đó, tôi đau cứng cả người, có những lúc đôi chân mình như muốn khụy xuống thế nhưng trong đầu tôi nghĩ mình không thể làm vậy, vì đó không chỉ là thể hiện tinh thần của bản thân mà còn là của cả dân tộc Việt Nam”, võ sư bày tỏ.

Thời gian qua, ông đã dạy võ cho nhiều lứa học trò. Trong đó, một số môn đệ của ông đã đoạt được những huy chương Vàng giải trẻ võ cổ truyền toàn thành phố, giải vô địch pencak silat TP.HCM, các giải trong nước lẫn quốc tế.

Chính vì cái tài và đức của ông nên rất nhiều bạn trẻ đam mê võ thuật đã theo ông học. Hiện tại, lớp dạy võ của ông có trên 40 môn sinh. Ngoài dạy ở trường, ông còn đi dạy kèm bóng bàn, dạy võ tại nhà cho nhiều con em có nhu cầu.

Khi được hỏi về bí quyết giúp ông có thể chinh phục được võ thuật, võ sư Tạ Anh Dũng chia sẻ: “Tạo hóa công bằng khi cho mình cái này sẽ lấy đi cái khác. Chính vì thế, điều căn bản tạo nên thành công chính là quyết tâm của con người. Cho nên, dù con người có khuyết tật hay không, nếu kiên trì, cố gắng, nhất định sẽ làm được. Tiềm năng và khả năng của con người là vô tận. Nếu các bạn khuyết tật đủ tự tin với bản thân mình thì sớm muộn cũng sẽ thành công. Sau hơn 50 năm đi theo nghiệp võ thuật, tôi nhận thấy rằng, điều dẫn dắt con người đi đến thành công chính là niềm đam mê. Niềm đam mê võ thuật đã níu kéo tôi trở lại với cuộc sống, đã dẫn dắt tôi vượt qua mọi chông gai của cuộc đời”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét