Thông điệp “cáo buộc Putin” cũng không chỉ là một cái bẫy tuyên truyền, mà còn là một chiến lược tranh cử đáng nghi ngại.
Báo giới Mỹ những ngày qua tràn ngập những bài viết thể hiện sự lo ngại trước những bước đi quyết đoán, khó lường của Tổng thống Nga Putin. Thậm chí đã có những bàn luận cho rằng ông chủ điện Kremlin có thể thay đổi cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng.
Liệu Tổng thống Nga Putin có thể quyết định ai là tổng thống tiếp theo của nước Mỹ? Theo cây viết Ivan Krastev của tờ New York Times, điều này khó có thể xảy ra. Tuy nhiên hàng loạt những bài bình luận gần đây quanh mối nghi ngờ Moscow đang can thiệp vào chính trị Mỹ có thể khiến độc giả nghĩ khác.
Tổng thống Mỹ Obama (trái) gặp gỡ Tổng thống Nga Putin tại một hội nghị ở Bắc Kinh. (Ảnh: AP)
Diễn biến này khiến ông Krastev liên tưởng tới cuốn tiểu thuyết giả tưởng “Operation Burning Bush” (tạm dịch: Chiến dịch hủy diệt Bush) của nhà văn châm biếm người Nga Victor Pelevin.
Câu chuyện xoay quanh một giáo viên tiếng Anh người Nga rất bình dị nhưng được trời phú cho giọng nói đầy uy lực. Người này được tuyển mộ vào một chiến dịch tình báo đặc biệt: nói chuyện với Tổng thống Mỹ George W. Bush thông qua một thiết bị được cấy vào răng của ông Bush.
Theo chỉ thị của điện Kremlin, người giáo viên này giả giọng như tiếng nói của Chúa, ra lệnh cho vị tổng thống thứ 43 của Mỹ tấn công Iraq. Ở phần sau của cuốn tiểu thuyết, người đọc còn thấy Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng có chiến dịch tương tự, khi giả làm linh hồn của Lenin, hiện về thuyết phục cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev khởi động việc cải tổ kinh tế, chính trị, mở màn cho sự tan rã của Liên Xô sau này.
Tất nhiên CIA trên thực tế không làm điều đó, mặc dù chắc chắn họ có tham gia vào nhiều kế hoạch trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng với việc đưa ra hai âm mưu đối lập nhau, ông Pelevin đã cho thấy mức độ hoang tưởng từng ám ảnh người Nga, họ tin rằng mọi điều tồi tệ xảy ra tại Nga đều có nguồn gốc từ các chiến dịch bí mật của Mỹ. Và dù ông Pelevin viết câu chuyện của mình từ rất lâu trước chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ hiện nay, có vẻ như quan điểm của ông vẫn còn đúng.
Khó có thể đánh giá hết tâm lý chống Mỹ tại Nga. Giới lãnh đạo tại Moscow từng cho rằng các cuộc biểu tình lớn tại đây năm 2011 và 2012 có bàn tay giật dây từ nước ngoài. Họ cũng cho rằng cuộc cách mạng Maidan-Euro tại Ukraine năm 2013 và 2014 xuất phát từ các nguồn lực và sự kích động của phương Tây. Thậm chí việc giá dầu lao dốc, cũng bị cho là âm mưu của CIA.
Những suy nghĩ có phần “điên rồ” này xuất phát từ cùng một lối suy nghĩ, rằng trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, nơi biên giới giữa chính sách đối ngoại và chính trị đối nội ngày càng bị xóa nhòa, việc can thiệp vào công việc chính trị của đối thủ trở nên dễ dàng và cũng dễ được chấp nhận.
Dù vậy, chính phương Tây cũng đang bị bao trùm bởi lối suy nghĩ mang đậm màu sắc thuyết âm mưu đó. Các nhà bình luận Tây Âu giờ thấy bóng dáng của Putin ở khắp mọi nơi, từ vụ Brexit tới làn sóng hoài nghi vào Liên minh châu Âu gia tăng ở Tây Âu, thậm chí cả sự bứt phá trên chính trường Mỹ của tỷ phú Donald Trump.
Hội chứng “hoảng sợ Putin” ở phương Tây giờ cũng trầm trọng không kém niềm tin ở nhiều quan chức Nga rằng phương Tây đang âm thầm phá hoại họ.
Một cử tri Mỹ giơ lên biểu ngữ mang dòng chữ Putin và Trump khiến nước Nga hùng mạnh trở lại. (Ảnh: EPA)
Có thể có lí khi tin rằng ông Putin muốn tỷ phú Trump trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo. Và những người Dân chủ có quyền lo lắng về khả năng Moscow làm xáo trộn công việc chính trị trong đảng mình. Nhưng sẽ là một sự phóng đại vô cùng lớn khi tin rằng các động thái của Nga có thể định đoạt kỳ bầu cử Mỹ.
Các hành động của Nga khá giống với phiên bản đối lập của cái gọi là “sự thúc đẩy dân chủ” mà Mỹ đã thực hiện tại các nước như Nga, thông qua việc tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ tự do, như một cách để thách thức quyền lực của Putin. Chúng có thể khiến ai đó khó chịu, lo lắng nhưng khó có thể bị xem như một mối đe dọa.
Rắc rối thực sự đó là khi sự ám ảnh khiến ai đó mất đi lí trí. Các chính trị gia cũng như các nhà bình luận phương Tây đang rất dễ dàng quy trách nhiệm cho các đòn tuyên truyền của Nga, hoặc sự thao túng của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đằng sau những rắc rối tại các nền dân chủ phương Tây.
Có thể người Nga sẽ được hưởng lợi từ Brexit, và thậm chí đã có những tác động nào đó vào quá trình này, nhưng liệu đó có thực sự là vấn đề? Và có ai thực sự tin rằng sức hút của tỷ phú Donald Trump sẽ sụp đổ chóng vánh nếu điện Kremlin quay sang hậu thuẫn bà Hillary Clinton?
Điều đáng nói quanh quan điểm “đổ lỗi cho Putin” mà nhiều chính trị gia và nhà phân tích cũng như báo giới chính thống phương Tây đang cổ súy đó là nó khiến nhà lãnh đạo Nga như người có quyền lực tuyệt đối, trong khi những người còn lại như bất lực.
Việc quy kết mọi trách nhiệm cho Moscow khiến chính người Mỹ không thể bàn thảo một cách tích cực, những vấn đề nghiêm trọng của xã hội, mà chỉ đơn giản cho rằng những bất ổn và mối đe dọa của một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau bắt nguồn từ sức mạnh lớn của đối phương.
Tư tưởng này vừa không giúp người Mỹ hiểu được người Nga cũng như bản chất chính quyền của họ, cũng không thể giúp nước Mỹ có chính sách ứng phó hiệu quả với Moscow. Nó cũng vô hình chung thừa nhận Nga là một quốc gia mạnh, được điều hành bởi một nhà lãnh đạo tài giỏi.
Các khảo sát mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, trong khi hầu hết người Mỹ và châu Âu có tư tưởng tiêu cực đối với nhà lãnh đạo Nga, người Mỹ cảm thấy họ đặc biệt bị đe dọa bởi Moscow. Những mối lo ngại khác của họ gồm chủ nghĩa khủng bố, những người Hồi giáo cực đoan, các vụ tấn công mạng, thất nghiệp, hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, và đặc biệt là vấn đề người nhập cư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét